Tôi yêu cây bưởi … đơn giản thế thôi.

(24.11.2019 tại vườn nhà cụ Ngoại)
Những người thông minh thì luôn nghĩ rằng cây bưởi sẽ chỉ ra quả khi nó cao bằng từng này, được chăm sóc quy củ như thế này, họ tính toán, lên kế hoạch… và luôn tự cho rằng mình thông minh vì cây bưởi ra quả đúng như dự định.

Còn những người Yêu cây bưởi thì chỉ nghĩ đơn giản rằng tôi cứ yêu cây bưởi này, chăm sóc nó bằng tình yêu, rồi khi tình yêu đủ lớn nó sẽ ra hoa, kết trái.
Vậy lên có những cây bưởi cao 50cm mà đã có quả. hì hì

Chào bạn Tắc đường!

( 22.11.2019 )

Hà Nội thật tuyệt vời với đặc sản ” tắc đường ” các tình yêu ạ. 2 bố con đứng cách cửa chung cư nhà mình khoảng 10m, mà 15p đi bằng xe máy vẫn k về tới nới.

Vui quá à!!!Hôm nay mới giải thích được chân thực cho con gái hiểu 1 điều : Đôi khi đường gần đi mãi cũng chưa tới, huống chi là đường xa.

Nhưng chắc chắn một điều : Không đi thì không tới được, phải học cho bằng được cách đi cũng như thái độ đi đường thì cuộc sống này luôn thú vị.

Chào bạn Tắc đường!

Khi mỗi người là một viên thuốc quý: Chuyện ghi ở Khoa Ung thư (*)

(Dân Việt) Tôi thực sự không tưởng tượng ra, tại sao và điều gì đã khiến mình sau đó, bình tĩnh đi xuống phòng mổ và trải qua ca đại phẫu một cách nhẹ nhàng đến thế. Có lẽ bởi tôi tin vào câu khẳng định của bác sĩ và của bạn điều dưỡng đó…

“Mọi chuyện sẽ ổn thôi”

Tôi cầm tờ kết quả xét nghiệm với chẩn đoán ung thư cổ tử cung khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là con trai mình tròn 5 tuổi. Cảm giác rất khó tả. Nó giống như khi bạn đang chạy và bị hụt chân rơi tõm vào 1 cái hố đen ngòm trong cơn ác mộng. Chỉ khác là, dù tôi có nhéo mặt mình đến cả trăm lần, thì cơn mơ này tôi không được tỉnh lại. Thương con, thương bố mẹ và sợ hãi. Bấy giờ tôi hiểu cảm giác, khi để cho 1 tù nhân nằm dưới máy chém cứ được hạ xuống từ từ, họ sẽ chết trước khi lưỡi dao chạm đến da thịt mình.

Tôi vốn không phải là người quá bi quan nên với sự động viên và trợ lực của gia đình và bè bạn, tôi lấy lại tinh thần khá nhanh. Và tôi nhập viện trong tâm thế rất sẵn sàng.

Nhưng giờ phút xong các thủ tục nhập viện, cô y tá phòng khám đưa tôi lên khoa, tất cả những sự cố gắng mạnh mẽ của tôi bỗng đổ ập xuống. 5 bệnh nhân đi cùng tôi, họ lần lượt rẽ vào các khoa bệnh khác. Chỉ còn tôi, là người cuối cùng, đến khu vực cuối cùng với biển chỉ dẫn mà khi đó tôi cũng coi là cuối cùng: Bộ phận Ung thư!

Ruột gan tôi cồn cào, mắt tôi tối sầm lại, và người tôi lạnh toát. Như một cơn bão, trong đầu tôi, mọi thứ ào về: Tôi có chết ngay không? Tôi còn bao nhiêu năm nữa? Ca mổ sẽ đau đớn ra sao? Những ngày tháng sau này của tôi sẽ thế nào?

Khi mở cánh cửa phòng Hành chính của Khoa Ung thư, tay tôi run rẩy và lạnh toát. Một bạn điều dưỡng trẻ tên Tình, dừng tay ghi sổ sách gì đó, nhìn tôi và mỉm cười. Sau khi nhận hồ sơ bệnh án của tôi từ bạn y tá phòng khám, Tình ngồi xuống đối diện tôi. Câu đầu tiên bạn ấy nói với tôi là: “Chị yên tâm, mọi chuyện sẽ ổn thôi. Đừng lo lắng quá!”.

Nếu trong một tình huống hài hước nào đó, có lẽ tôi sẽ quay ra cửa để nhìn lại xem có đúng là mình đang ở trong bệnh viện không hay đã vào nhầm chỗ. Người ngồi đối diện tôi, đang nhìn tôi với ánh mắt của 1 người bạn.

Như người vừa được thở trở lại, tôi bật nói ra cả mớ sợ hãi đang chất đầy trong lòng mình. Và Tình lắng nghe tôi cho đến khi bác sĩ mổ của tôi bước vào.

Trước đó, qua lời của bác sĩ khám, tôi chỉ biết bác sĩ mổ của mình tên là Phúc – một trong những bác sĩ có thâm niên và chuyên môn cao về Ung thư sản. Người tôi lại co cứng lại, tôi chờ đợi những câu hỏi ngắn gọn, lạnh lùng và 1 vài câu dặn dò nguyên tắc cho ca mổ.

Mất 1 chút thời gian đọc bệnh án, bác sĩ từ từ ngẩng đầu lên nhìn tôi và nói: “Được rồi. Cả anh và em đều phải cố gắng nhé. Cả 2 cùng cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi!”.

Tôi thấy mình như vớ được 1 cái phao. Anh dành thời gian sau đó để nói với tôi 1 cách rõ ràng, tỉ mỉ về những biến chứng có thể xảy ra với ca bệnh của mình, với những thứ mà tôi sẽ có thể phải đối diện. Và kết lại, anh vỗ vào cái vai còm còm của tôi, vui vẻ: “Thế nhé. Lát sẽ có thêm bác sĩ tư vấn cho em, các bạn y tá sẽ đưa thuốc cho em và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Cứ yên tâm đi. Vừa nãy, em mà vào sớm 1 chút, sẽ gặp 1 chị đã từng mổ như em cách đây 2 năm. Bạn ấy đến khám lại, cười tươi rói và rất xinh xắn! Em cũng sẽ thế thôi!”.

Bác sĩ bước ra khỏi cửa và lòng tôi nhẹ bẫng. Thấy tôi thở phào, bạn Điều dưỡng đón tôi lúc đầu, cười rất tươi: “Cậu (lúc này bạn ấy biết chúng tôi bằng tuổi nhau nên đổi cách xưng hô) thấy không, không có gì đáng sợ đâu. Cậu phối hợp tốt với bác sĩ là sẽ ổn hết”.

Nếu bạn chưa vào khoa bệnh này thì chắc bạn khó có thể hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Trong cái bể hoang mang vô tận của những ngày đầu đối diện với căn bệnh này, một lời động viên, chia sẻ của bác sĩ, giống như cho bạn 1 cứu cánh.

Tôi thực sự không tưởng tượng ra, tại sao và điều gì đã khiến mình sau đó, bình tĩnh đi xuống phòng mổ và trải qua ca đại phẫu một cách nhẹ nhàng đến thế. Có lẽ bởi tôi tin vào câu khẳng định của bác sĩ và của bạn điều dưỡng đó. Thực tế, tôi đã được truyền giảm đau, liều giảm đau quý giá cho cả thể xác và tinh thần trước khi tôi lên bàn mổ.

Cổ tích với tôi, đến đó, có thể đã là rất trọn vẹn rồi.

Nắm tay em sẽ dễ chịu hơn đấy!”

Những ngày sau mổ, trừ những lúc đau đớn do ảnh hưởng của thuốc mê và thuốc kháng sinh, tôi như người đang đi nghỉ dưỡng để viết truyện ngôn tình. Bởi mỗi ngày, tôi lại thấy mình ngạc nhiên và xúc động bởi 1 điều thú vị, 1 người thú vị.

Tôi ở phòng bệnh bình thường theo quy định bảo hiểm của khoa. Phòng có 4 giường bệnh, sạch sẽ và thơm tho. Sáng nào cũng có 2 cô đến lau dọn, quét tước từ sớm. Các cô nhớ tên từng bệnh nhân và trò chuyện thân mật. Hỏi han về cảm giác của chúng tôi mỗi sáng.

Các bạn điều dưỡng, y tá ghé thăm chúng tôi thường xuyên. Đôi lúc đùa vài câu khiến cả phòng toét miệng cười. Căn phòng bệnh viện lạnh lẽo trong tâm trí của tôi, gần như không còn nữa. Sự ấm áp ở đây làm tôi phấn chấn.

Khi bắt đầu được đi lại, tôi tập đi dọc hành lang, ngó nghiêng vào các phòng khác hoặc phòng trực của bác sĩ để mỉm cười và gật đầu chào. Cây thường xuân xanh mướt trước phòng bệnh của tôi, khiến tôi thấy mình tươi tắn mỗi ngày.

Sau mổ, mỗi ngày tôi được tiêm 2 mũi kháng sinh. Ven tôi rất mảnh, dễ vỡ nên nhiều lúc, tiêm chưa xong mũi đã vỡ ven, các bạn lại phải tìm vị trí khác. Tôi nhát đau từ bé nên luôn sợ. Tôi nhớ lần tiêm đầu, tôi run run hỏi bạn y tá trẻ: “Em ơi, chị có phải nắm chặt tay lại cho ven nổi không?”. Cô bé xinh xắn ấy nhìn tôi và bảo: “Chị nắm tay em sẽ dễ hơn”. Và điều đó lặp lại suốt quá trình bạn ấy tiêm cho tôi những ngày sau đó. Tôi vẫn tự đùa mình, có thể mình háo sắc chăng mà vì nắm tay bạn ấy, mình không thấy đau.

Thực ra tôi biết, sự ấm áp và yêu thương của các bạn ấy đã giảm đau trước khi mũi kim đâm vào da thịt tôi rồi.

Sau 10 ngày, tôi được ra viện. Và lần đầu tiên, tôi thấy mình lưu luyến. Tự dưng thấy sẽ nhớ nhớ các chị lao công buổi sáng, các chị điều dưỡng và bạn y tá trẻ trẻ sáng nào cũng hỏi: “Chị Yến hôm nay khỏe hơn chưa?” hay “Hôm nay chị xinh hơn rồi nhé!”. Tôi nhớ cả những buổi tối, lê dép quèn quẹt tập đi và ngó vào phòng trực đêm chào các bạn.

Ngày ra viện, tôi dặn chồng mua giúp mình đôi bó hoa hướng dương thật tươi và 2 chiếc thiệp. Dòng chữ đầu tiên tôi viết sau ca mổ còn run run là những lời gửi cho bác sĩ của tôi và những bạn điều dưỡng, y tá cùng các cô lao công của khoa.

Tôi không biết nói gì để diễn tả những cảm xúc và những điều tuyệt vời tôi đã nhận được từ họ trong những ngày khó khăn vừa qua của cuộc đời mình. Tôi chỉ biết biết gói lại trong hai chữ “Cảm ơn!” nhỏ bé ấy.

Khi mỗi người là 1 viên thuốc quý

Tôi vẫn nghĩ, cuộc sống như 1 khối domino khổng lồ và cái khoa bệnh nhỏ bé của tôi trong 10 ngày ấy là 1 trong số những dãy domino màu xanh đẹp đẽ nhất. Tôi nhận được tình yêu và sự quan tâm của bác sĩ, của những bạn điều dưỡng, y tá, của bạn bè, người thân và tôi truyền lại điều đó 1 cách tự nhiên cho những bệnh nhân khác.

Nếu ai nói, một người siêu phàm nào đó những ngày đầu đối diện với căn bệnh Ung thư mà hoàn toàn bình tĩnh và vui vẻ, tự tin thì chắc chắn đó là 1 lời nói dối. Ở khoa bệnh của tôi, người trẻ thì đau đớn vì cuộc đời mới mở ra dường như đã bị đóng lại; người làm mẹ như tôi thì thương con còn quá nhỏ, nhưng thậm chí những cô bác đã lớn tuổi, họ vẫn rất sợ dù con cái đã trưởng thành và những mối vướng bận với cuộc đời đã không còn nhiều nữa.

Sợ chết là 1 chuyện nhưng ai cũng sợ hành trình tiếp theo đó sẽ là 1 chuỗi những tháng ngày đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần… Và họ sợ những cái đơn giản hơn rất nhiều: Mổ có đau không? Gây mê có đáng sợ không? Thậm chí uống viên thuốc để đẩy chất thải trong ruột ra ngoài trước khi mổ có kinh khủng không? Thậm chí, sợ có đủ tiền để chạy chữa hay không?

Từng bước trong lộ trình điều trị của tôi, cảm giác thế nào, mọi chuyện sẽ ổn ra sao không chỉ được các chị điều dưỡng, các bạn y tá mà ngay cả các bệnh nhân cũ cùng phòng nói trước cho tôi. Khi đã hình dung được chặng đường mình sẽ đi qua, cảm giác mình sẽ phải đối diện, tôi bình tĩnh đón nhận và vượt qua nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cũng như vậy, tỉnh dậy sau mổ, tôi cũng lại nói về cảm giác “yên tâm” của mình khi trải qua ca đại phẫu với các bệnh nhân mới đang chờ mổ. Chúng tôi truyền lại cho nhau sự mạnh mẽ của người đã bước qua.

Vậy là rất nhanh chóng, cả dãy phòng bệnh của chúng tôi trở nên thân thiết. Chúng tôi gọi nhau bằng tên của bệnh thường xuyên hơn là gọi bằng tên của mình. Câu chuyện của những người đồng cảnh ngộ, cùng nỗi đau dễ gần hơn rất nhiều.

Chúng tôi thường xuyên gửi lời chúc mừng khi một ai đó nhận được kết quả giải phẫu là lành tính. Lời chúc mừng thực sự. Bởi ở nơi này, không còn tị nạnh, chúng tôi chỉ mong may mắn sẽ đến, với ai cũng được.

Tôi nhớ, ngày tôi nhận kết quả giải phẫu bệnh ung thư giai đoạn đầu, từ bác hơn 70 tuổi mổ sa tử cung đến bạn tiền  ung  thư cổ tử cung ở phòng bên, dù mới mổ chưa được nhiều ngày, cũng đi sang phòng để chúc mừng tôi. Vì tôi đã may mắn hơn rất nhiều người ở đây!

Vậy là, từ những người đồng bệnh, chúng tôi trở thành những viên thuốc quý cho nhau. Có những ngày, cả dãy phòng bệnh chúng tôi vang đầy tiếng cười. Chúng tôi cho nhau 1 sự yên tâm và tin tưởng. Rằng con đường mình đang đi này, khó khăn nhưng rồi mọi chuyện đều sẽ qua, và mọi thứ chắc chắn đều sẽ ổn mà thôi!

Kính tặng bác sĩ Nguyễn Đức Phúc và các bạn điều dưỡng, y tá của Khoa Ung thư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

 *Bài viết là những câu chuyện nhỏ ghi tại bệnh viện của chị Minh Yến (Hà Nội), một người vừa trở về sau ca phẫu thuật ung thư cổ tử cung.http://danviet.vn/ngay-moi-tot-lanh/khi-moi-nguoi-la-mot-vien-thuoc-quy-chuyen-ghi-o-khoa-ung-thu-1027218.html?fbclid=IwAR3KaKxOUXc_YnA8IRZGo0ezNWEc-ElHNrIDIKDOzV2_KRTtePcDxjH6o0I

CON ẾCH VÀ CON BỌ NGỰA !

( Ngày 18.10.2019)

Khi con ếch học được cách ” nhận biết ” ,thì nó biết cách vui vẻ với những gì đang xẩy ra xung quanh mình, mặc cho thời tiết có nắng, có mưa…

Nhưng ” có duyên ” thế nào mà ông trời lại ban cho nó một chú bọ ngựa luôn cưỡi trên lưng nó( như kiểu vòng kim cô của Tôn Ngộ Không) nếu nó nằm im trên tảng đá thì con bọ ngựa vui vẻ nhẩy múa, hát ca và không chém cho nó một nhát.

Nhưng khi nó muốn đưa con bọ ngựa kia đến một giếng nước, một bờ ao, hay những nơi thú vị hơn để mở mang tầm mắt… thì ngay lập tức bị con bọ ngựa chém cho một nhát, vì nó ” sợ ” thay đổi, nó đã quá quen với việc ở cái tảng đá này và đứng trên lưng con ếch để nhảy múa hát ca.

Con ếch sau một thời gian dài nằm im mặc cho nắng , mưa , và những nhát chém của con bọ ngựa thì may mắn thay nó đã nhìn thấy ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa về sự hiện diện của con bọ ngựa trong cuộc đời nó, nó thấy bình an và ham sống.

Nhưng điều làm nó trăn trở suốt hơn 23 năm là làm sao để con bọ ngựa kia được ” sống thực ” theo đúng nghĩa của nó.

Và rồi đến một ngày , có một điều gì đó đã làm nó thức tỉnh …

Thân thì cứ ở trên tảng đá để cho con bọ ngựa làm nơi nương tựa, nhưng ” tâm ” của nó sẽ phải làm hạt mưa, hay cơn gió… sẽ tùy hình thù mà biến đổi.

Vì chỉ có như thế mới có thể ” ôm trọn ” con bọ ngựa, và làm ướt được nó!

p/s:

Liên quan hay không liên quan
Hợp nhất hay không hợp nhất

Đó chỉ là một cách thức , nếu ta biết thay đổi ” góc nhìn “

VIẾT TRONG LÚC ĐỢI CON BỌ NGỰA TÁI KHÁM, HỀ HỀ

Hành trình trở về (P3)

ĐỪNG THAN VÃN VÌ CUỘC SỐNG LUÔN CÔNG BẰNG

Hạnh phúc là 1 cái chăn hẹp

Cuộc sống vốn không công bằng?

Tôi đọc ở đâu cũng ra câu nói đó: “Cuộc sống vốn không công bằng”. Phải thừa nhận, có lúc tôi đã thích bấu víu vào nó. Nhất là khi mình thất bại, mình không bằng người khác. Tôi cho rằng: Mình không được may mắn như họ, và đúng là có gì đó không công bằng. Riêng việc tôi bé tý tẹo, không thể mặc được những bộ đầm hấp dẫn cũng đã là thiệt thòi.

Nhưng đó là trong những thành công – thất bại đơn thuần, có thể đo đếm thứ bậc. Còn với những may rủi trong cuộc đời, lạ thay, từ nhỏ đến lớn, tôi chưa khi nào thấy bất mãn. Tôi cho rằng nó thực sự công bằng và không có lý do gì để oán trách. Tôi vẫn luôn nghĩ, thứ mình không có được ở mặt này đã hoặc sẽ được bù đắp ở mặt khác. Và thực tế trong cuộc sống của tôi chứng mình, tôi ĐƯỢC rất nhiều!

Tôi được sinh ra trong một gia đình không giàu có nhưng không quá khó khăn. Tôi hưởng 1 nền giáo dục pha trộn 1 cách tương đối hợp lý giữa khắt khe và tự do phát triển của bố và mẹ. Gia đình tôi từ ông bà, bố mẹ, cô bác anh em họ hàng đều an hòa và yêu thương. Trong đó, tôi biết, mình là đứa được yêu thương nhiều nhất.

Tôi có 1 tuổi thơ tuyệt vời với những đứa bạn mà tôi nghĩ là cực kỳ tuyệt vời. Tôi không biết ngoài đời sống, mỗi đứa sẽ ra sao, nhưng mà với nhau, với gia đình của nhau, chúng tôi thực sự thấy hạnh phúc. Một tuổi thơ tự do và nhân văn, ít ra là tôi nghĩ như thế.

Tôi bé con con và không xinh xắn, nhưng tôi cũng có rất nhiều người yêu và thương mình. Tôi có 1 người chồng, cũng là 1 người bạn yêu thương mình thực sự, luôn đồng hành cùng tôi qua mọi khúc cua khó khăn của cuộc sống.

Tôi lấy chồng, sinh con thuận lợi, 1 trai, 1 gái. Điều mà không phải ai cũng có ngay được.

Tôi có công việc tôi thấy vui thích, đồng nghiệp yêu quý. Và tôi có rất nhiều người thầy chỉ dạy cho mình.

Vậy nên với những khó khăn đang đến, tôi nghĩ cũng là 1 sự công bằng. Công bằng vì nó là tích lũy của những gì chưa đúng, chưa khoa học, chưa chân thật mà mình đã làm trước đó. Và công bằng, vì hạnh phúc trong cuộc đời là 1 cái chăn hẹp, không thể che hết cho trọn vẹn được. Tôi không thể cứ nhận được quá nhiều!

Tôi chưa theo Phật nhưng tôi tin vào nhân quả nhãn tiền. Không cái gì tự nhiên đến và cũng chẳng cái gì tự dưng đi. Cái mình nhận hôm nay, dẫu thế nào đi chăng nữa, cũng là QUẢ của 1 cái NHÂN nào đó mà mình đã vô tình hoặc cố ý tạo. Vậy nên, chấp nhận để đón nhận nó.

Dĩ nhiên, điều đó, không có nghĩa là xuôi theo nó!

Ai cũng có 1 nỗi niềm…

Đau khổ hay những điều không may mắn, đôi khi là cơ hội cho chính bạn.

“Khi bạn có 1 cái chân bị đau bạn sẽ không nghĩ được đến những nỗi đau của người khác”. Tôi đã từng nghe ở đâu đó câu nói đó, và tôi tin nó đúng với đa phần. Phần lớn, chúng ta không độc ác nhưng chúng ta vị kỷ. Nỗi đau của chúng ta bao giờ cũng là lớn nhất. Vấn đề của chúng ta bao giờ cũng là trầm trọng nhất. Tôi nghĩ, ở góc độ nào đó, điều đó là bản năng của mỗi con người. Thường không đáng trách.

Khi mới bị bệnh, tôi rất hoang mang. Tôi cảm thấy chính mình là kẻ thật đáng thương. Và câu chuyện của tôi chắc hẳn sẽ rất kinh khủng. Tôi không chia sẻ công khai nhưng cũng từng nói chuyện với khá nhiều anh chị em thân thiết. Họ lắng nghe tôi và an ủi tôi. Nhiều trong số các anh chị lo lắng cho tôi.

Sau dần, các diễn tiến của bệnh, tôi không muốn nói với ai nữa. Không phải bởi không muốn chia sẻ hay sợ hãi điều gì. Mà vì trong những tháng ngày qua, tôi cũng đã thử lặng xuống, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ và để ý đến sức khỏe của mọi người xung quanh (Cái này hình như là phản ứng tự nhiên. Khi bạn ốm, tự nhiên trường suy nghĩ của bạn chỉ là về sức khỏe). Và tôi thấy, ai cũng có bệnh. Có thể không nặng như tôi hoặc đơn giản chỉ là chưa phát hiện ra như tôi.

Mỗi người, thực tế đều đang phải cố gắng đối mặt với vấn đề của chính mình. Bởi vòng luân hồi sinh – lão – bệnh – tử là bất biến. Và chẳng có ai đi ra ngoài vòng kim cô ấy được.

Tôi, đương nhiên, vẫn thấy vấn đề của mình là quan trọng. Quan trọng chứ, đó là sinh mệnh, là chất lượng cuộc sống của tôi mà. Nhưng tôi hiểu, trên chặng đường cuộc đời chúng ta đi, những cái liên quan đến sức khỏe, đến thân thể, đến tâm hồn… là chặng đường mỗi người phải tự bước 1 mình.

Và phải tự bước qua!

Giống như khi thi đại học, mỗi bạn có 1 mã đề riêng, và cần phải giải thì mới qua cửa được. Vậy nên, khó khăn trong cuộc sống này là sự thật hiện hữu, và bạn phải bước qua thôi. Chẳng phải đạp đổ nó, chẳng đối đầu với nó, chỉ đơn giản là BÌNH TĨNH, TUẦN TỰ, CAN ĐẢM mà bước qua!

Hành trình trở về (P2)

Sợ hãi trả lại gì cho bạn?

Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ là đi xuyên qua nó!

Sợ của nào, trời sẽ trao của ấy!

Ai cũng có 1 hoặc nhiều nỗi sợ. Tôi cũng vậy . Tôi có một nỗi sợ cố hữu với bệnh viện và bác sĩ. Tôi sợ khám đến nỗi, với tôi việc đi khám nha khoa hay đi tiêm phòng cũng là cực hình. Cảm giác đau đớn kể cả trong những thao tác nhỏ nhất của các bác sĩ cũng khiến tôi kinh hãi. Mơ ước lớn nhất đời của tôi là về già được chết 1 cách nhẹ nhàng và không phải vào bệnh viện.

Bằng mọi cách, tôi trốn mọi cuộc khám sức khỏe, hoặc một cái gì đó liên quan đến bệnh viện hay phòng khám.

Và cũng không hiểu vì lý do gì, những ký ức “bệnh viện” của tôi luôn khủng khiếp. Nghĩa là tất cả những gì liên quan đến bệnh viện, phòng khám của tôi đều có chút không may mắn: Tôi sốc, bị hút ngược máu lúc truyền nước khi tôi 14 tuổi; Tôi bị chuẩn đoán nhầm u nang buồng trứng xoắn và xém chút bị đè ra mổ cắt buồng trứng khi tôi chưa tròn 18 tuổi; Lần đầu tiên đi khám thai Khoai, không thấy tim thai, tôi được bác sĩ phán một cách lạnh lùng “Về nhà khấn tổ tiên ông bà đi, không có tim thai là vào viện bỏ đó”; 30 tiếng sau khi đẻ Bee, tôi chân không tất, đầu không mũ, lếch thếch bế con trong đêm lạnh chạy khắp viện Xanh Pôn để xét nghiệm cho con…

Túm lại, nỗi sợ hãi bệnh viện và bác sĩ của tôi ngày càng được củng cố theo thời gian. Vững chắc và cố hữu.

Sau này nhìn lại, tôi mới thấy, hình như điều đó không phải tự nhiên đến. Suy nghĩ của mỗi chúng ta đều có năng lượng thu hút riêng. Bạn càng sợ hãi, càng nghĩ về những điều không hay, nó sẽ càng đến.

Sẽ dễ hiểu với những điều không may mắn trên của tôi, là ngay khi chưa bước chân vào bệnh viện hay phòng khám, tôi đã hoảng loạn tinh thần mất rồi. Chưa nói đến việc, tự kỷ ám thị kéo những điều không thuận lợi đến, bản thân việc thiếu bình tĩnh đã khiến tôi có những lúng túng và thường đưa ra những quyết định xử lý vội vàng mang tính tháo chạy.

Và như tôi đã nói, bạn sợ cái gì, cuộc sống sẽ thử thách bạn chính điều đó. Hay nói cách khác, những điều không may trong cuộc đời, thường sẽ rơi vào đúng điểm bạn sợ hãi và yếu đuối nhất.

Con đường bạn đi chỉ có thể do chính bạn lựa chọn. Không ai quyết định thay bạn số phận và cho bạn câu trả lời về chính bạn.

Không vượt qua nỗi sợ nhỏ, bạn sẽ được “tặng” một nỗi kinh hoàng

Tôi giữ và nuôi dưỡng nỗi sợ ấy của mình suốt hơn 30 năm qua. Và tôi cứ an tâm với nó, vì tôi vẫn khỏe khoắn, đi làm bình thường và vui vẻ. Sợ cứ nằm đó, và cái gì động đến lĩnh vực đó là tôi tránh. Tôi nghĩ rằng mình an toàn.

Cho đến 1 ngày, tôi ăn 1 cú tát.

Tháng 4/2019, tôi nghỉ phép mấy ngày vì thấy mình có chút căng thẳng trong công việc. Được bà chị khuyên nhủ mãi, tôi quyết định đi tiểu phẫu cái mụn nhọt nhỏ trên trán đã nhiều năm. Nó bé bằng đầu ngón tay út của tôi, xuất hiện sau khi tôi sinh Bee, chẳng đau đớn hay nhức nhối gì.

Vậy mà, nó mang đến cho tôi tờ xét nghiệm Ung thư đầu tiên.

Khoan nói về cảm xúc của tôi lúc đó và những tháng ngày sau đó. Tôi sẽ có 1 bài viết riêng để viết về điều này, vì nó khó để nói ngắn gọn lắm. Từ khi cầm tờ xét nghiệm đó, tôi biết cuộc đời mình đã sang 1 ngã rẽ khác. Một sự thay đổi hoàn toàn, căn cốt.

Tôi là đứa sống rất lạc quan. Tôi tự tin về những gì mình đã trải qua và nghĩ rằng, chẳng khó khăn nào có thể khiến mình gục xuống.

Tôi từng nói với các em mình rằng: “Ở đời này, trừ khi mình không còn thở được nữa, còn lại tất cả mọi chuyện đều có thể giải quyết”. Và bây giờ, tôi đối diện với chính cái khả năng cuối cùng ấy.

Ngay cả khi sốc nhất, tôi không trách ai và không đổ lỗi cho cái gì. Vì tôi biết, lỗi là ở mình. Tôi đã tránh né những đau đớn sợ hãi nhỏ, thì điều đó, đã giống với việc tôi vay lãi hàng ngày để cuối cùng phải trả 1 món nợ to hơn mà thôi. Vì tôi luôn hiểu rằng, cuộc đời này, chẳng cái gì tự nhiên có hoặc tự nhiên đến. Nó là sự tích lũy.

Nó giống như việc, bạn cứ quẩn quanh trốn chạy, để cuối cùng, chân tường sẽ ở ngay sau lưng bạn, và trước mắt bạn không còn là con mèo nhỏ xíu ngày xưa nữa mà đã là 1 con hổ khổng lồ.

Hiểu thế, nhưng tôi không làm thế nào để đối diện. Tôi không đủ sức để đối diện. Hành trình để tập đối diện với nó, sau đó, còn khá dài với tôi.

Còn ngay lúc ấy và thậm chí ngay lúc này, tôi chỉ hiểu rằng. Với mỗi nỗi sợ dù là nhỏ nhất hay lớn nhất, bạn phải học cách đi xuyên, chọc thủng qua nó. Đó là những bài tập và cũng là những cơ hội để bạn tiêu trừ những tai ương lớn hơn sẽ đến trong những ngày kế tiếp. Lẩn trốn không bao giờ là cách tốt.

Giống như câu chuyện của tôi. Nếu tôi chăm chỉ đi khám bác sĩ, nếu tôi không sợ hãi đến hoảng loạn mỗi khi nghĩ đến sức khỏe và bệnh viện hay dao kéo, có thể tôi sẽ không phải bước chân vào 1 hành trình mà sẽ có rất rất nhiều thời gian ở bệnh viện và sống chung cùng thuốc men, dao kéo như thế này.

Những ngày sau này, tôi đã nhiều lần ước là khi mình ngủ dậy, đây đang là 1 giấc mơ. Cả những tờ xét nghiệm, cả những bác sĩ, cả những bệnh viện, cả những đớn đau… chỉ là 1 cơn ác mộng.

Nhưng tôi đã tỉnh dậy nhiều buổi sáng rồi, và nó vẫn là sự thật.

Tôi hiểu rằng, việc của tôi lúc này, chỉ là mỗi sáng thức dậy và sẽ phải đi chung để tìm cách đi qua nỗi sợ hãi của đời mình.

Tôi ngẫm, sợ hãi giống như 1 khối u lành tính. Nếu bạn không loại bỏ được nó, theo thời gian, nó sẽ trở thành 1 khối u ác tính.

Lúc đó, chuyện sẽ lớn hơn rồi!

Hành trình trở về (P1)

KHÓ KHĂN LÀ CƠ HỘI ĐỂ NHÌN LẠI

Trên hành trình, chuyến đi dài nhất và cũng là chuyến đi ý nghĩa nhất là trở về!

Cả ngày nay, trong đầu tôi luôn nhớ tới hình ảnh một viên đá. Viên đá lăn giữa chặng đường tôi hăm hở đi. Và đương nhiên, vì nó, tôi phải dừng lại. Cảm giác buồn bực và sợ hãi đã đi qua phần nào, tôi chỉ thấy mình đang đứng im và tôi ngoái lại. Tôi ngoái lại để nhìn chặng đường mình đã đi qua, nhìn thật kỹ và bắt đầu thấy, hình như có cái gì đó sai sai.

3 năm, tôi dành khoảng thời gian quý báu mà tôi cho là được “tự do” sau khi Khoai lớn và Bee đã qua tuổi bú mẹ, chỉ để đi tìm mình. Tôi hăm hở đi, tôi hăm hở tìm kiếm, rồi tôi lại đau đáu quay ngược, quay xuôi để tìm. Tôi đọc sách, tôi có hàng trăm cuộc trò chuyện về mình, tôi tách khỏi ngôi nhà, công việc để tự mình đi soi mình ở một nơi xa lại, tôi sinh trắc vân tay, tôi đọc về tướng số… Câu trả lời cho tôi chỉ mờ mờ hoặc mỗi lúc là 1 đáp án khác nhau. Và, tôi đã nhiều lần gật gù với nhiều trong số các đáp án đó.

Chồng tôi nói, tính tôi hay quên. Tôi không cho đó là bệnh lý. Tôi quên, vì những cái tôi đọc, tôi ngẫm ấy nó nhờ nhờ, mờ mờ đến độ không đủ để tôi nhớ.

Tôi nghĩ nó giống như 1 câu ngạn ngữ tôi đã từng đọc, đại loại: “Tình yêu chỉ có một nhưng những thứ na ná như tình yêu thì lại có rất nhiều”. Tôi dường như mới tìm được từng mảnh của con người mình và vội kết luận nó là mình.

Để rồi, tôi mãi là kẻ lờ nhờ sống với cái khái niệm mơ hồ về chính mình. Ngoài tên mình, hình như tôi không biết tôi là ai, tôi đang như thế nào và tôi muốn gì.

Cú sốc lần này với tôi là 1 cái tát. Một cái ngáng chân khiến mình sấp mặt. Buộc mình phải ngồi lại bên vệ đường, xuýt xoa cái vết thương đang ròng ròng máu của mình. Và nhờ đó, tôi có thời gian nhìn vào xương tủy mình. Nghĩa là nghiêm túc để nhìn mình.

Tôi không biết, mình sẽ nhìn được gì. Dẫu tôi vẫn cho rằng, khúc cua này, tôi buộc phải dừng thật lâu để nhìn lại. Nhưng tôi muốn lưu lại những gì mình đang nghĩ, để 1 lúc nào đó, đọc lại có thể xâu chuỗi và hiểu câu hỏi và câu trả lời của chính mình.

Vì tôi tin rằng, sự nương tay của số phận dành cho mình, sẽ không thể cứ nhiều mãi. Hoặc tôi phải tỉnh thức sau cú tát này, hoặc tôi sẽ ngã dúi mãi mãi…